Tôi biết Vũ Đình Tuấn chưa lâu, cách đây chừng dăm bảy năm gì đó. Đầu tiên là từ những bức minh họa trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cái tên Vũ Đình Tuấn "găm" vào đội ngũ biên tập ở "Nhà số 4" từ những bức minh họa đầu tiên. Sắc nét, khác biệt, ấn tượng, sáng tạo và đặc biệt cẩn trọng. Có thể nói, minh họa một cách cẩn trọng, chu đáo hết mức như Vũ Đình Tuấn không phải nhiều, khá hiếm nữa là khác.
Sau này thì tôi hiểu vì sao Vũ Đình Tuấn có cách làm việc như vậy. Bởi vì: Anh coi mỗi bức minh họa là một tác phẩm hội họa độc lập. Mới đây, anh có hẳn một triển lãm tranh minh họa. Một triển lãm cá nhân chuyên về tranh nhỏ, tranh minh họa mang tên “Câu chuyện tháng Giêng”, hình như chưa từng thấy ở Hà Nội. Những bức minh họa đĩnh đạc ở trên tường gallery, trong những chiếc khung khiến chúng trở nên sáng rực. Tôi may mắn từng được Vũ Đình Tuấn vẽ minh họa cho một truyện ngắn, và bức minh họa đó được treo tại triển lãm. Kết thúc triển lãm, anh tặng tôi bức ấy. Giờ tôi vẫn đang treo ở phòng khách. Còn những bức khác, hầu như đã được bán hết.
Việc những bức tranh minh họa được bán hết cho thấy nó không đơn thuần là minh họa cho tác phẩm văn chương nữa. Nó thực sự có đời sống riêng, có số phận riêng. Nó được lấy cảm hứng từ văn chương, nhưng nó không phụ thuộc vào văn chương. Nó vượt thoát, một cách kiêu hãnh, sang trọng.
Vũ Đình Tuấn ham vẽ từ lúc còn là học sinh tiểu học ở trường làng. Tôi thấy những họa sĩ thành danh thường được sinh ra, lớn lên trong những gia đình thực sự là chiếc nôi hội họa hoặc ít cũng là nghệ thuật nói chung có liên quan. Nhưng Vũ Đình Tuấn thì khác. Học, chơi, leo trèo, chạy nhảy, nhưng vẫn một mình một cõi, chúi mũi vào vẽ đủ thứ, vẽ cả sổ lưu niệm giúp các anh chị lớp trên sắp ra trường. Thậm chí từng bị thầy giáo dạy Toán bạt tai vì tội trong giờ học mà cứ cắm cúi ngồi vẽ. Mà nào chỉ bạt tai, thầy còn giận dữ xé toang bức tranh ấy. Vũ Đình Tuấn nói, suốt đời anh không quên được cảm giác đau xót khi nhìn bức tranh tan tành trong tay thầy.
Tuy vậy, dù là thầy dạy Toán hay bất kỳ ai đi nữa đều không thể buộc Vũ Đình Tuấn bớt say mê hội họa. Cậu bé ấy học đến lớp 8 thì bắt đầu vẽ... truyền thần giúp cho nhiều người cùng làng, những bức chân dung cha mẹ họ hoặc các liệt sĩ trong gia đình họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Vũ Đình Tuấn có bức tranh đầu tiên được đề nghị... mua. Người mua là bệnh nhân của bố anh. Ông rất thích bức Thúy Kiều-Kim Trọng mà Tuấn vừa vẽ xong trước đó. Bức tranh được trả 50 đồng. Có 50 đồng trong tay thì cũng thích thật đấy, nhưng cậu bé ấy... tiếc bức tranh nhiều hơn.
Dù ở thôn quê nhưng chưa khi nào Tuấn thiếu họa phẩm. Người cung cấp nguồn họa phẩm vô tận cho Tuấn là anh trai cả. Tôi nghĩ, anh thật hạnh phúc, suốt tuổi thơ được đắm say với một môn nghệ thuật một cách thỏa thích. Vũ Đình Tuấn nói, người thầy dạy vẽ đầu tiên của anh là một... cuốn sách. Cuốn “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Điều này thật giống với tôi. Tôi bắt đầu văn chương cũng bằng những cuốn sách. Chỉ có điều, cuốn sách của anh là một người thầy, còn sách của tôi là sự mở ra một cánh cửa.
Niềm say mê theo đuổi hội họa khiến Vũ Đình Tuấn quyết định thi vào ngành hội họa của Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Năm ấy, anh đỗ thủ khoa. Sau đó Vũ Đình Tuấn còn học đồ họa ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội-nơi hiện giờ anh là giảng viên. Vẫn chưa dừng ở đấy, anh nhận được học bổng Indochina Art Panership ngay sau khi tốt nghiệp và theo học kỳ học mùa thu ở Trường Mỹ thuật Maine tại Mỹ.
Vũ Đình Tuấn nói anh và hội họa hẳn là có duyên trời định. Tôi cũng tin vậy.
Sau những bức minh họa gây mê mẩn cả tòa soạn, tôi nghe nói Vũ Đình Tuấn có triển lãm cá nhân. Không cần đợi được mời, tôi phi thẳng đến. Tôi vẫn còn nhớ buổi khai mạc kín đặc người ở con phố Tràng Tiền hôm ấy. Vũ Đình Tuấn triển lãm tranh lụa “Im lặng cho hoa nở”. Công chúng yêu tranh Vũ Đình Tuấn đều biết, tranh lụa là thể loại thành công nhất của anh. Nói một cách khác, nhắc đến lụa, trong giai đoạn hiện tại, ở Hà Nội, nhất định không thể không nhắc đến Vũ Đình Tuấn. Những bức tranh lộng lẫy, quyến rũ đến tột bậc. Những đường nét uyển chuyển mê hoặc, những mảng màu huyền ảo, những khoảng sáng vừa như câm lặng vừa như đang cất lời trong sự run rẩy...
Trong triển lãm lần ấy, Vũ Đình Tuấn có những ý tưởng rất đặc biệt. Những chùm hoa nở trên đầu các cô gái, những đôi mắt vô cùng bí ẩn, những cặp môi mím chặt, vừa kiêu hãnh vừa gợi cảm, những đàn cá, những chiếc lá... Cảm giác như lạc vào một mê cung giữa những bức tường treo đầy tranh.
Sau này, trong một lần anh em ngồi trò chuyện, tôi hỏi Vũ Đình Tuấn: Hình như mỗi lần vẽ lụa anh lại bị nó hút chặt vào, phải không? Tại sao em lại cứ cảm thấy là anh bị lụa nó hút chặt vào, tới mức lẫn vào trong nó nhỉ. Vũ Đình Tuấn cười rất thoải mái: Đúng rồi đấy. Đúng là anh bị lụa nó hút chặt vào đấy.
Cái điều rất kỳ khôi là, nếu như bạn gặp Vũ Đình Tuấn ở ngoài đời, bạn sẽ không thể tìm thấy một sự kết nối nào giữa những bức tranh lụa huyền ảo quyến rũ, tinh tế tuyệt vời với một người họa sĩ trông rất... không giống ai: Tóc túm thành búi trên đỉnh đầu, đeo khuyên tai, khuyên môi, mặc một chiếc áo khoác dài quét đất bằng vải hoa con công... tóm lại, thực sự tôi tìm mãi không thấy sự liên kết nào.
Nhưng đó là Vũ Đình Tuấn. Vũ Đình Tuấn còn hát chèo rất hay nữa. Cũng không ngạc nhiên gì lắm nếu như bạn biết Vũ Đình Tuấn sinh ra, lớn lên ở đất chèo. Thái Bình là nơi đã sinh ra không biết bao nhiêu nghệ sĩ chèo, từ chèo cổ tới chèo hiện đại. Khi anh hát chèo, với sự tuân thủ tuyệt đối các quy tắc của nghệ thuật chèo, với sự thăng hoa hết nấc của một người yêu chèo tận tâm can, người ta sẽ thêm một lần nữa ngạc nhiên về anh. Tôi cứ băn khoăn, liệu chèo có ảnh hưởng gì tới hội họa của anh không nhỉ? Có thể là tư duy, cảm xúc chăng? Một cảm xúc thuần Việt, một niềm tự hào lớn lao về văn hóa làng quê Bắc Bộ, chắc chắn là có chứ.
Khi tôi hỏi Vũ Đình Tuấn, đối với hội họa, điều gì quan trọng nhất với anh. Anh nói, anh quan trọng 3 điều: Tự do, sáng tạo và khác biệt. Tự do để giải phóng hoàn toàn thể xác và tinh thần để làm điều mình muốn; sáng tạo để nghệ thuật đạt được đến tính trí tuệ của ngôn ngữ; khác biệt để được là chính mình, kiêu hãnh đứng giữa mọi người.
Tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Anh cũng cho rằng nghệ thuật là một thánh đường. Và đã là thánh đường thì không thể coi nghệ thuật là cuộc chơi. Đứng giữa thánh đường đó phải nhất tâm kính cẩn, trong trạng thái ngoan đạo và có tinh thần cống hiến.
Đó là lý do khiến chưa một ngày nào Vũ Đình Tuấn dừng lại trong nỗ lực lao động nghệ thuật. Với anh, lao động ấy chính là cách để trả ân nghĩa cho môn nghệ thuật đã nuôi dưỡng tâm hồn mình mà không mưu cầu bất kỳ một thứ danh vọng nào. “Ham danh vọng rất hại cho sáng tạo nghệ thuật. Thành công là món quà ông trời ban tặng cho tôi. Vì vậy, trong sáng tạo, tôi luôn tự do và bình an”, Vũ Đình Tuấn nói.
Chúng tôi còn nói nhiều về thị trường tranh ở ta hiện nay, có lẽ rồi sẽ trở lại vào một dịp khác để bàn kỹ hơn. Tôi muốn nói thêm một chút về tranh khắc gỗ của Vũ Đình Tuấn-một trong 3 loại hình mà anh rất mê say và đều thành công. Năm 2009, anh đã có triển lãm tranh khắc gỗ “Cuộc sống tươi đẹp” tại Vietart Centre và Hanoi Studio. Khắc gỗ cho công chúng thấy một Vũ Đình Tuấn khác, rất khác so với lụa. Có thể do đặc điểm thể loại, có thể do phong cách sáng tác, tranh khắc gỗ của Vũ Đình Tuấn mạnh mẽ, sắc nét, nam tính và vẫn đặc biệt gợi cảm.
Không phải tự dưng (trên đời này, nhất là trong lao động nghệ thuật, không có gì là tự dưng đến cả) mà Vũ Đình Tuấn lọt tốp 50 nghệ sĩ tạo hình tiêu biểu Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới và tốp 20 họa sĩ hàng đầu thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đánh giá này vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng, hẳn là vậy. Nó cho thấy một quá trình nỗ lực lao động, nỗ lực khác biệt của một người đắm say với hội họa từ khi còn là một cậu bé.
Ký chân dung của ĐỖ BÍCH THÚY
Nguồn: Quân đội Nhân dân Cuối Tuần
Số 1380, ngày 12/6/2022.
コメント