Để hẹn gặp được Trần Việt Phú, tôi từng nghĩ đó là cả một nghệ thuật. Anh không hề khó gần, mà có lẽ, sự chậm rãi đến vô cùng cho từng bức tranh dường như đã dần chi phối cách ứng xử của anh với người ngoài. Anh không nhanh gật đầu trước đề nghị của tôi. Nhưng đôi khi, tranh là người. Chậm rãi, chậm rãi, ánh sáng đâu đó trên những bờ tường ẩm tối, những cái ghế mây cũ kỹ, cái ly thủy tinh xinh xắn, cả cái dây thép giăng quần áo mặc dở lại lấp lánh hiện ra... như một cuộc hẹn cuối cùng cũng được chốt lại và có thể kéo dài cho đến khi nào tôi muốn...
Vẽ là công việc duy nhất
Cũng như nhiều bạn đồng môn cùng thời, việc theo học hội họa với Trần Việt Phú không có gì quá đặc biệt. Anh thích vẽ từ nhỏ, từng học vẽ với một thầy giáo tư, có đi luyện thi đại học nhưng đến phút chót lại muốn thi vào khoa điêu khắc, thế là trượt năm đầu tiên. Sau khi đậu vào khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, học hết năm thứ ba, anh bảo lưu kết quả, tạm rời trường một thời gian. Rốt cuộc, việc vẽ không phải là lựa chọn của lý trí mà như anh kể, thời gian trở lại trường học tiếp từ năm thứ tư là quãng vui nhất của anh; như thể, đó là lúc anh cảm nhận rõ ràng hơn về đoạn đường tiếp theo của đời mình. Việc quay lại nhà trường mỹ thuật xác định: Hội họa là công việc duy nhất của anh.
Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1998, một năm sau, anh có triển lãm cá nhân đầu tiên tại một phòng tranh ở Hà Nội. Cho đến hiện tại, qua hơn 20 năm, đó vẫn là phòng tranh duy nhất tổ chức triển lãm cá nhân của anh nhưng cũng không theo một chu kỳ nhất định nào, có thể liên tục (1999 và 2000), có thể cách nhau tới sáu, thậm chí tám năm. Anh cũng không tham dự các triển lãm nhóm, triển lãm mỹ thuật Thủ đô, địa phương hay toàn quốc. Cộng đồng mỹ thuật hiếm hoi mà anh tham gia là nhóm nghệ sĩ tại Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) do họa sĩ Vũ Đức Hiếu (tức Hiếu Mường) tổ chức với hai sự kiện trong năm 2011 và 2015... Anh cũng không tự tổ chức triển lãm của cá nhân hoặc cùng các đồng nghiệp khác tụ thành nhóm năm, ba người và chia nhau việc tự tổ chức một triển lãm. Anh cũng rất ít xuất hiện tại các buổi khai mạc triển lãm lớn nhỏ...
Khác với phần đông họa sĩ, nghệ sĩ thị giác còn đang sáng tác lâu nay ở sự chủ động kết nối với cộng đồng, chủ động tiếp thị nghệ thuật của mình theo nhiều cách thức tới thế giới bên ngoài, Trần Việt Phú lại chủ động thu hẹp phạm vi giao tế. Trong câu chuyện với người đối diện, anh cũng chủ động lựa chọn chấp thuận hay từ chối cộng hưởng, tiếp tục một câu chuyện nào đó, đề cập một sự việc nào đó. Tất cả dường như chỉ để bảo toàn thế giới riêng của anh và để dành nó duy nhất cho hội họa; chỉ những gì thuộc vào hội họa mới có thể là nơi để anh tin tưởng chia sẻ hết thảy. Rất hiếm khi anh tiếp chuyện ai đó tại xưởng vẽ của mình, anh bảo vậy.
Hội họa vượt thoát mọi hình dung
Những ký ức của một ký túc xá sinh viên mỹ thuật chật chội, bừa bộn sáng tối với mầu và bút, giấy, cặp vẽ, vẫn còn đây đó trên tranh của anh. Những cái ghế tựa đơn giản, cũ kỹ, ghế mây sò thấp nhỏ, đôi dép tổ ong, cái bàn, cái cốc thủy tinh bình dân, sàn nhà chồng mờ của bụi, của thời gian hay của suy cảm nhiều hơn hiện thực... Để ý một chút, sẽ thấy họa sĩ thường chọn thể hiện trong tranh cái nhìn từ trên xuống; anh để đồ vật trên sàn nhà thay vì để chúng ở vị trí ngang tầm mắt. Mọi thứ được sắp xếp có phần không chủ ý, hơi tùy nghi. Nhưng đôi khi, những hiện diện như tình cờ, bâng quơ của mấy bông hoa huệ trong cái bình thủy tinh mà lẽ thường, không dành cho loài hoa này, bên cạnh một, hai cái ly thủy tinh khác, trong một khung cảnh cũ kỹ nhưng đầy ánh sáng lại đem tới cảm nhận về sự nghiêm cẩn và chi tiết của người vẽ trong quan sát mọi hiện diện chung quanh mình: những hiện diện thực ra là chỉ có trong tâm trí anh, trong sắp đặt ở thế giới của riêng anh mà thôi.
Phú vẽ chậm, nhiều năm tháng cho một bức tranh không lấy gì làm lớn về kích thước, không có gì phức tạp về "nội dung" bởi không phải đại cảnh hay đại tự sự. Phú không dùng nét để định hình nhân vật, sự vật trên tranh mà để cho mảng mầu và độ sáng-tối làm việc đó. Mọi sự vật từ từ hiện lên, khối hình của chúng từ từ rõ dần ra theo thời gian dành cho nó của người thưởng ngoạn, chứ không nổi bật hay gây chú ý thị giác ngay lập tức. Anh cân nhắc kỹ lưỡng từng lớp mầu, mức độ chồng lấp, mỏng dày, bước chuyển sắc độ, những nét mảnh của mầu gợi ánh sáng hoặc tạo khối, bố cục.
Khung cảnh trong tranh của anh là những nơi chốn riêng tư thường nhật: xưởng vẽ với mẫu vật được bài trí có khi thật lơ đễnh; góc bếp với xoong nồi xưa cũ, góc nhà với những mảng, khóm xanh bình dị. Sáng, chiều, đêm, xưởng họa, góc vườn... là những từ lặp lại trong tên tranh của anh năm này qua năm khác. Điều thú vị là sự vật trong tranh của Phú dường như không đối thoại với nhau, khó nhận ra giữa chúng có một mối dây liên đới nào, mỗi thứ như đều chìm vào một cuộc đời riêng. Nhưng anh kết giao với từng chi tiết trong tranh theo một cách tha thiết và tình cảm, như là anh đã, đang và sẽ tiếp tục sống cùng chúng. Một thứ tình cảm người-người thay vì chỉ có tâm lý sở hữu và thói quen sử dụng đồ vật đơn thuần. Nhờ thứ tình cảm đó chăng mà những không gian tưởng nhỏ hẹp, quẩn quanh lại thành ra luôn rộng dài, thăm thẳm trên tranh của anh. Nhờ thứ tình cảm đó chăng mà mỗi sự vật trên tranh lại như cuốn hút chính họa sĩ đi tìm kiếm điều gì đó khác ngoài thực tại của anh ta trước toan với mầu... Thứ khác đó là gì, dường như cũng mù mờ đối với chính họa sĩ và dần được rọi sáng qua tháng năm chỉ bởi tâm trí vả cảm nghiệm của riêng anh dành cho hội họa. Tình cảm ấy khiến cho mọi điểm, góc trên tranh anh, dù là mầu tối, lạnh vẫn đầy sinh khí.
Sau tất cả những nỗi lo, niềm vui, sự cô độc, bất bình hay giận dữ của đời thực, mỗi người có lẽ đều cần một vỏ ốc riêng tư để cuộn bản thân lại cho bình an tới, để sống tiếp nơi thế tục này. Cá nhân tôi đã tin rằng, thế giới hội họa của Phú không chỉ là "vỏ ốc" của riêng anh mà còn là của mỗi người có dịp ngắm tranh của anh. Sự tĩnh lặng, không gian mờ ẩn, mọi thứ bình dị ở nơi đó dẫn ta tới chính thế giới nội tâm của ta, kết nối cái bên trong ta với mọi thứ bên ngoài để cho ta chiêm nghiệm về giá trị của việc ta đang sống, giá trị của sự sống.
Trần Việt Phú (sinh năm 1973) là một trong 50 họa sĩ, nhà điêu khắc được lựa chọn giới thiệu tại Triển lãm mỹ thuật Mở cửa nhìn lại thành tựu 30 năm đổi mới trong đời sống mỹ thuật Việt Nam, sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Tranh của anh có trong nhiều bộ sưu tập hội họa đương đại lớn trong nước, và của các Ðại sứ Na Uy, Italia, Australia tại Việt Nam.
Comments