Khi nói về tranh lụa đương đại Việt Nam, có lẽ không thể không nhắc tới họa sĩ Vũ Đình Tuấn. Qua gần 20 năm thực hành với chất liệu đặc biệt này trong hội họa, anh dần tạo ra một cõi riêng, nơi anh hoàn toàn tự do với từng thớ lụa.
Tìm mình trong lụa
- Trong giới mỹ thuật lâu nay, nhiều người gọi anh là "phù thủy tranh lụa", chắc hẳn là có lý do và tôi tin, anh biết rõ lý do ấy.
- Mọi sự từ bên ngoài mình thường chỉ là phỏng đoán (cười). Có lẽ, họ cho rằng, tôi có một sự ứng biến, chơi đùa, như thể phù phép nào đó trên lụa. Thật ra, sự "phù phép" đó đến từ sự ngẫu hứng, xuất thần của tôi trên nền lụa, điều khiến bản thân tôi cũng bất ngờ.
Tôi không từ chối bất kỳ mảnh lụa lỗi, thớ dệt lỗi nào, thậm chí còn thấy thú vị vì nó thách thức sự sáng tạo trong tôi. Tôi tự thích nghi với mọi tình huống xảy ra trên thớ lụa. Hình ảnh một sợi dây thừng buông thõng, những đám lưới giăng mắt rối ren như tơ vò, một con ong đậu trở nên đắt giá trên tác phẩm... thì nhiều khi, đó là nơi mà nền lụa có một lỗi rất nặng.
- Vậy nếu được dùng một từ, chỉ một từ thôi để nói về mối quan hệ của anh với lụa, một cách trực quan nhất, anh sẽ chọn từ nào?
- Nếu được chỉ dùng một từ, tôi sẽ chọn từ "là". Lụa là mình, và mình là lụa.
Khi tôi tìm đến lụa, cũng là lúc mà tôi tìm thấy mình ở trong lụa, tức là ở sự thích ứng, sự thích nghi. Lụa như là đại diện cho tinh thần, sự sáng tạo, cũng như ngôn ngữ nghệ thuật của tôi.
- Một điều lý thú trong hội họa Việt Nam, lụa là thứ duy nhất không chỉ làm nền của một bức tranh mà hơn thế, được coi như là một chất liệu của hội họa, gọi là "tranh lụa", tương tự như tranh sơn mài, tranh sơn dầu... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng tổ chức các triển lãm hội họa cấp quốc gia theo chuyên đề chất liệu: tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh lụa. Với cá nhân anh, lụa còn có ý nghĩa nào khác?
- Từ những ngày đầu theo học mỹ thuật, tôi bắt đầu với thuốc nước, trên chất liệu giấy dó bóc 1 (mỏng và có chất lượng cao nhất trong phân loại giấy dó-PV). Họa cảm của mầu nước trên giấy dó bóc 1 khá đồng điệu với lụa. Vậy là bên cạnh những bài chuyên khoa trên lớp, tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và làm việc một mình, chủ yếu với chất liệu lụa. Tôi vẽ lụa. Ngần ấy năm học, lụa nuôi sống tôi về cả vật chất và tâm hồn.
Cho đến bây giờ, tôi khẳng định, lụa chính là cốt lõi trong những sáng tác của tôi, vì chỉ với lụa, mới có khả năng truyền tải hiệu quả nhất những ý tưởng của tôi. Về mặt tạo hình, đương nhiên là họa sĩ có thể truyền tải trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng chỉ với lụa, tôi mới thấy được thỏa mãn, mới thấy hình hài của mình. Qua lụa, tôi tìm được sự đồng hành với đời sống riêng tư của tinh thần, tìm được sự đủ đầy để cảm thấy có thể đi mãi. Chỉ có khi ngồi trước lụa, tôi mới làm được thứ tôi làm, vẽ được thứ tôi vẽ, mới cảm thấy được những suy tưởng của mình mênh mông rộng lớn.
Sức hấp dẫn từ những điều mơ hồ
- Phần nền lụa bỏ trống tạo thành những khoảng không mênh mang trong tác phẩm là một điểm rất "Vũ Đình Tuấn", theo đó, lụa không chỉ là nền tranh mà đúng là một chất liệu hội họa. Vì sao anh quyết định chọn buông các khoảng trống này?
- Hầu hết các họa sĩ vẽ lụa đều không để trắng nền, chí ít cũng dụng kiệm một chút lớp mầu nhẹ để vơi đi chất mộc mạc nguyên thủy. Nhưng có lẽ, từ sau năm 2009, tôi đã xác định cho mình một ngôn ngữ: bỏ trống nền lụa trắng. Những phần bỏ trống đó là sự tương quan giữa cái có và cái không. Phần được vẽ là cái có, phần bỏ trống là cái không. Khi chúng ta miên man trong sự phức tạp của các hình thể, nền bỏ trống cho ta sự thư giãn để cân bằng lại mọi trạng thái cảm xúc. Tôi thích sự đối lập quyết liệt của hình và khoảng trống trên lụa. Tôi muốn gọi ra thế giới của cái hữu hạn và vô hạn.
- Nhưng phần hữu hạn - được vẽ trong tranh của anh lại luôn ẩn chứa điều gì đó thật khó để nắm bắt và chỉ ra được, gọi tên được, nó mơ hồ đôi khi đến ma mị. Nó được dẫn dắt từ đâu, thưa anh?
- Tôi luôn muốn tạo ra sự liên tưởng và những bí mật trong từng bức tranh của mình. Nếu một tác phẩm chứa đựng những bí mật mà người khác không biết thì đó là khởi điểm của sự ma mị được nhen nhóm. Tôi giấu những ẩn ức, bí mật của riêng tôi vào từng ngóc ngách trong tác phẩm cũng như trong chính ngôn ngữ nghệ thuật cá nhân. Hình ảnh trên tranh khơi gợi, kể ra từng câu chuyện nhỏ, mơ hồ, để dần tích tụ thành nỗi ám ảnh, sự ma mị lớn hơn.
Một con chim, một người đàn bà, một ngọn đèn... Những mô-típ được lặp đi lặp lại trên tác phẩm của tôi kể câu chuyện của phương Đông, ẩn dụ đa nghĩa về quá khứ, về sự liên kết, ràng buộc, tình yêu, đàn ông, đàn bà... Ngọn đèn dầu với cái bấc lơ lửng trong không gian, kể ra cái ánh sáng tự thân, bóng tối ẩn khuất, như phận người, le lói sáng lên và nương tựa vào chính mình, với năng lượng từ đất trời. Mọi mô-típ ấy đều mong manh, trong suốt, nhưng kết lại với nhau một cách chặt chẽ, bao bọc nhau, không thể tách rời, thậm chí có đôi phần nghiệt ngã.
Chẳng hạn, về những gương mặt người trong tác phẩm của tôi, tôi luôn coi con người là trung tâm và là tổng hòa của mọi mối quan hệ tự nhiên, xã hội. Khoảng trời, cánh rừng, dòng sông, biển cả, khu vườn, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, lát cắt thời gian..., tất cả đều có gương mặt, đều có thể được mang chứa trong dáng hình một gương mặt. Bên cạnh đó, mọi thứ trong đời này đều qua gương mặt người để biểu lộ, để khơi ra, gợi ra. Một câu chuyện bí ẩn nào đó đi ngang qua mặt người, để rồi ngưng đọng lại một cảm xúc đơn giản và chân thành, tựa như sự im lặng, như một đóa hoa nở - vẻ đẹp của cái vô thường.
- Sự lặp đi lặp lại của các mô-típ cũng dễ dẫn họa sĩ tới tình trạng đóng khung cố định bản thân, hoặc khiến những khán giả, nếu không đủ thời gian thưởng lãm, sẽ khó nhận ra câu chuyện của anh có "gì đó mới" mà chỉ thấy một số mô-tip quen thuộc?
- Thế nào là mới? Và thế nào là cũ? Điều đó luôn chỉ là tương đối.
Tôi luôn vẽ những thứ ẩn chứa ở trong chính bản thân mình. Mà bản thân mình, vẫn đang sống và thay đổi mỗi ngày... Nói rộng hơn một chút, tác phẩm nghệ thuật không nên chỉ đề cập những thứ ngoại thân, mà còn nên được khởi từ bản thân người sáng tác. Khi mình chưa nói rõ, thấu hiểu được bản thân mình thì mình khó có thể nói được gì về xã hội. Nói được về mình là nói được về cả thế giới. Cũng như tôi với lụa thôi, tôi tìm thấy mình trong lụa chứ tôi không đi tìm lụa cũng như lụa không đi tìm tôi. Qua lụa, tôi kể câu chuyện về cõi mộng mị của tôi, và về cả thế giới này.
- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Commentaires