top of page

Khai mạc triển lãm 'Nghệ thuật đồ họa - Từ dân gian đến đương đại'

Ngày 19/7, tại Hà Nội, triển lãm "Nghệ thuật đồ họa - Từ dân gian đến đương đại" đã khai mạc tại không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space (Long Biên, Hà Nội).

Khách tham quan triển lãm 'Nghệ thuật đồ họa - Từ dân gian đến đương đại'. Ảnh: PV

Triển lãm trưng bày trên 50 tác phẩm nghệ thuật của 6 nghệ sỹ đồ họa đương đại Việt Nam, gồm: Nguyễn Nghĩa Phương, Phan Hải Bằng, Vũ Đình Tuấn, Phạm Khắc Quang, Vũ Bạch Liên, Nguyễn Khắc Hân, là những họa sỹ tên tuổi, tiêu biểu cho diện mạo đồ họa đương đại Việt Nam những năm gần đây.

Triển lãm "Nghệ thuật đồ hoạ -Từ dân gian đến đương đại" trưng bày nhiều bộ sưu tập khắc gỗ mà tạo hình và nét khắc hoặc tinh tế, bay bổng, hoặc nghiêm ngặt, hàn lâm, hoặc đẩy đến tận cùng tỉ mẩn, chi tiết. Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đều giàu bản sắc cá nhân, mang theo hơi thở đương đại ở cả nội dung và ngôn ngữ thể hiện. Đời sống, cái nhìn, câu chuyện, ý niệm của các tác giả đã đem đến những cảm xúc mới mẻ cho công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Họa sỹ Nguyễn Nghĩa Phương tạo sự riêng biệt với tầng sâu mỹ cảm dân gian và hơi thở của những lớp lang văn hóa vùng Kinh Bắc. Hoạ sỹ Phan Hải Bằng với những tác phẩm tổng hòa của những liên tưởng phức tạp về tính phồn thực, sự giằng xé của cảm xúc riêng tư trong thế giới nhẫn nhịn và giác ngộ. Hoạ sỹ Vũ Đình Tuấn lại quyến rũ người xem bằng một họa cảm phương Đông bí ẩn, ma mị, đường đột trong màu sắc, bất ngờ trong hình hài, cô đọng mà giàu sức liên tưởng. Họa sỹ Phạm Khắc Quang linh hoạt trong cách sử dụng những hiệu quả thị giác khiến người thưởng ngoạn cuốn hút và cảm giác bị cuốn hút, mê hoặc bởi sự tỉ mỉ, công phu…

Hoạ sỹ Vũ Bạch Liên với những tác phẩm đầy hấp dẫn bởi cấu trúc nét chi tiết, tỉ mỉ và rung cảm, nét sáng tạo đặc biệt, công phu, giàu sắc cảm, đa chất liệu, quy mô lớn. Hoạ sỹ Nguyễn Khắc Hân bằng sự tỉ mỉ, tinh tế, cô đọng bởi sắc độ đen - trắng, đem đến ấn tượng thị giác mạnh mẽ và sâu sắc, thể hiện sự quan tâm tới các khía cạnh và khoảng cách của văn hóa Đông - Tây, hiện đại - truyền thống, qua sự phát triển của thế hệ trẻ trong gia đình và không gian sống ngoài xã hội…

Nghệ thuật đồ họa có lịch sử hình thành từ xa xưa, phát triển và đổi thay qua nhiều thế kỷ. Ở Việt Nam, nghệ thuật đồ họa xuất hiện từ nghìn năm trước, mà khởi đầu là những ván khắc và các tiêu bản kinh sách Phật giáo, cho đến những dòng tranh in khắc dân gian có từ thế kỷ 16 - 19 như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh Làng Sình, tranh Đồ thế Nam bộ… Ngày nay, tuy có bị mai một, nhưng những dòng tranh dân gian đậm đà hồn cốt dân tộc ấy vẫn còn nguyên những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần của các lớp nghệ nhân xưa gửi lại cho hậu thế.

Nối tiếp mạch nguồn dân gian, thế hệ các họa sỹ thời kỳ Đông Dương, kế tiếp là các tác giả trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến đã đánh dấu vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam bằng những tên tuổi và các tác phẩm đồ họa tạo hình xuất sắc, hầu hết là những bức tranh in, và chủ yếu là tranh in khắc gỗ. Có thể kể đến như: Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tạ Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thụ, Trần Đình Thọ, Hoàng Trầm…

Thế hệ kế tiếp với nhiều cống hiến cho nghệ thuật đồ hoạ có thể kể đến những tác giả như: Vũ Duy Nghĩa, Trần Nguyên Đán, Phùng Phẩm, Lê Huy Tiếp, Nguyễn Nghĩa Duyện, Lê Mai Khanh, Trần Tuyết Mai, Nguyễn Đức Hòa, Trần Nguyên Hiếu... đã làm nên mạch ngầm của dòng chảy nghệ thuật đồ hoạ nối tiếp từ lịch sử xa xưa đến thời hiện đại.

Triển lãm do Hanoi Studio Gallery phối hợp cùng Ánh Dương Art Space tổ chức, mở cửa đến hết ngày 29/9/2023.


Phương Hà (TTXVN)

13 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page