Hoạ sĩ Đặng Kim Ngân thuộc thế hệ 7X, chị sinh tại Hà Nội, hiện sống và làm nghệ thuật tại Sài Gòn. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cuối thập niên 1990. Từ 2015 - 2024, Kim Ngân tham gia nhiều triển lãm thường niên do Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đạt một số giải thưởng mỹ thuật khu vực quốc gia. Hội hoạ của chị cũng được giới thiệu tại Borobudur-Yogyakarta International Art Festival. “Mây ký ức” là triển lãm cá nhân đầu tiên hoạ sĩ trưng bày 18 tranh chì màu trên toan khổ vừa và lớn thực hiện từ năm 2021… tới nay. Buổi giao lưu và giới thiệu bộ sưu tập diễn ra vào ngày 21 tháng 9 năm 2024 tại Hanoi Studio Gallery (số 23 - 25 Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội)
Ký ức là chất liệu sáng tạo quan trọng trong mọi loại hình nghệ thuật. Ở hội hoạ, ký ức tạo nên chiêm nghiệm, là nguồn cơn thôi thúc, là đề tài sâu rộng. Ký ức gợi mở cảm xúc nền để ta biểu đạt ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình của riêng mình. Ký ức có sự liên đới mật thiết tới trạng thái tinh thần, khí chất nội tại của người vẽ. Ngay giờ phút này ta muốn ghi lại hình ảnh thực tại, tình trạng nội tâm hoặc những ám ảnh tâm trí, ký ức luôn có mặt trong sự sáng tạo để quyết định tính đặc trưng của từng bức tranh, gom góp thành hành trình nghệ thuật cá nhân. Nỗi nhớ có thể nhìn thấy, cảm nhận, có sức hấp dẫn lớn, đòi hỏi người vẽ dấn thân tìm kiếm. “Mây Ký Ức” của Đặng Kim Ngân là một ví dụ.
Phố cũ Hà Nội trong tranh của Ngân là phố không người, nhưng không vì thế mà tranh mất đi sức sống. Dấu vết của người được mô tả chi tiết qua khung cảnh, kiến trúc, đồ vật gắn liền với đời sống, được tạo dựng bởi con người. Thiên nhiên sinh sôi, tàn úa đồng hiện trong nhiều góc cảnh liên kết dưới vẻ thời gian phong hoá. Nỗi niềm đau đáu về “Cội rễ”, về “Thời gian”, về sự “Còn, Mất” của Ngân được lắng đọng từ góc nhìn tinh lọc của người quan sát hiện thực. Quả thật biết bao lớp người đã sinh ra, lớn lên rồi rời đi trong cõi nhân sinh này lại không vướng mắc với nơi chốn nào đó. Từng số phận có những lưu dấu theo cách riêng nhưng ai cũng tồn tại trong tâm trí ai khác, có thể là hình dung rõ ràng nhưng cũng có khi là sự liên tưởng nhắc nhớ ào về bởi cảnh cũ mùa xưa. Có những đời người ngắn hơn đời cây cỏ nương nhờ góc tường mái ngói. Có những cuộc trở về tưởng chừng vô vọng lại làm lòng ta bồi hồi khi nhận ra cái cây nhỏ cha mẹ từng trồng giờ đã thành cổ thụ… Khi đó, góc cảnh trước mắt còn hàm chứa biết bao hồi tưởng dẫn đưa đến cảm ngộ lòng người. Những suy tư căn bản nhân tính ấy hiện hữu trong Ngân trở thành tâm trạng, thành tiếng nói bên trong thường trực đòi hỏi Ngân tìm ra cách biểu đạt của riêng mình. “Mây Ký Ưc” của Ngân thể hiện dòng suy tưởng đến vấn đề căn cốt cuộc sống: Cõi tạm mà sao mãi nhớ mãi yêu!? Điều này cho thấy đời sống tâm linh được tác giả chú trọng tìm hiểu, tu dưỡng, sâu sắc dần theo từng bước trải nghiệm.
Hiện thực trong tranh của Ngân là hiện thực tâm trí. Cảnh vật chuyển động ở cả hai dạng bố cục: dàn trải và hướng tâm. Những góc phố, cột điện, ngõ nhỏ quanh co, từng căn nhà, ô cửa, tường gạch rêu bám, bảng hiệu xưa cũ cứ nối tiếp hiển hiện trong vùng đệm không gian cây lá xao xác. Phố xá lơ lửng trôi trên mây trời hoặc dồn nén biến dạng trong vòng tròn toàn cảnh. Đây là điểm thú vị bởi hình ảnh ký ức trong trí não luôn chuyển động không ngừng, đan xen phức tạp, bất kể ấn tượng sâu đậm hay mờ nhạt. Để tạo được cấu trúc hình riêng biệt Ngân có sự chuẩn bị, dày công nghiên cứu. Từng tác phẩm đều được xây dựng bởi các bản phác thảo có mức độ hoàn thiện cao nhằm tuyển chọn trước khi thực hiện. Nhịp điệu thị giác được tạo nên bởi sự chuyển động của mảng chi tiết. Các chi tiết trong tổng thể xuất hiện duyên dáng hoà quyện trôi chảy, thoát khỏi sự thêm vào, hay cưỡng ép, đạt được sự tự nhiên như cảnh vật vốn là, cho thấy sự chọn lọc nghiền ngẫm, tinh tế, cân bằng giữa cảm xúc và lý trí người vẽ. Khoảng trống trong không gian bức hoạ có vai trò định vị cảm xúc của Ngân cho từng tác phẩm.
Bút chì trong hội hoạ là chất liệu cho bước khởi đầu, tiện dụng. Để có được hành trình nghệ thuật vượt xa sự căn bản đòi hỏi người vẽ chì phải có phẩm chất đặc biệt: Giữ nhịp cảm xúc sáng tạo đều đặn như hơi thở tự nhiên, quán xuyến sự phát triển của chi tiết thành mảng trong tổng thể từ mờ đến tỏ. Chì màu chất lượng cao trên canvas làm tăng độ bền của tác phẩm. Độ xốp của chì trên xớ vải, độ trong của màu, các lớp, chiều hướng thay đổi của nét chì tạo hiệu ứng thị giác nhẹ nhàng, trôi dạt chậm rãi khi ngắm tranh. Chất liệu chì màu trên toan là lựa chọn hoàn toàn phù hợp tâm lý sáng tác, kỹ năng thể hiện và nhất là mong muốn bày tỏ giá trị nghệ thuật của Ngân.
“Mây Ký Ức” - vùng nội tại vốn phức tạp và có chiều hướng ám ảnh tâm hồn nghệ sĩ đã được Đặng Kim Ngân chuyển hoá thành những ấn tượng thị giác chân thực với chính mình, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Mỗi bức tranh hoàn thành, Ngân trút bỏ từng gánh hoài niệm, tìm ra một đoạn đường trong vòng vây mê cung của sự nhớ. Nghệ thuật của Ngân có tính kết nối, chia sẻ rộng với công chúng thưởng lãm bằng những rung cảm trong lành. Bộ tác phẩm này cho thấy tình yêu nghệ thuật của Ngân lặng lẽ, bền bỉ, con đường sáng tác đã định hướng là rất xa. Xin chúc mừng!
Nguyễn Sơn
Vườn/ 14 09 24
Comments