Ngày nay tranh khắc và tranh lụa không còn phổ biến như trước kia. Đối với Vũ Đình Tuấn, một họa sỹ Việt Nam giàu kinh nghiệm, các biểu hiện nghệ thuật luôn là tâm điểm trong các tác phẩm giàu cảm xúc của anh. Những bức tranh khắc gỗ đùa giỡn với bóng và hình như thể chúng đang trong một điệu vũ gợi cảm và những bức tranh lụa về những khuôn mặt gợi lên vẻ đẹp siêu thực nhẹ nhàng và tràn đầy những câu chuyện mộng mị.
Tác giả Ian Findlay
Dẫu biết rằng chất liệu mới ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các họa sỹ trẻ việt Nam, ta vẫn bắt gặp nhiều chất liệu truyền thống sống động, nổi bật và trở thành trọng tâm để duy trì một nền văn hóa và lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Trong số đó phải kể đến các loại hình nghệ thuật như khắc gỗ và vẽ trên lụa. Loại hình nghệ thuật này được nhiều nghệ sỹ đặc biệt thuộc tất cả các thế hệ gìn giữ. Với họ, truyền thống không bị mai một bởi các trào lưu văn hóa hay những ảnh hưởng ngoại lai thức thời. Một trong các họa sỹ đặc biệt đó là Vũ Đình Tuấn, một họa sỹ với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh khắc và tranh lụa, với tầm nhìn đa chiều về nghệ thuật đương đại, và tính đương đại được khắc họa rõ nét hơn khi họa sỹ đưa vào tác phẩm của mình nhiều đối tượng, chủ đề, motif rất đời thường: từ chim đến cá, từ các hoa văn thêu đến nghệ thuật tượng hình dân tộc thiểu số có nguồn gốc cổ xưa cũng như bí quyết hiện đại và kinh nghiệm cá nhân. Đối với Tuấn, tranh khắc gỗ và tranh lụa có một vị trí quan trọng trong các sáng tác mang đậm dấu ấn của mình, và cả hai loại hình này đều có tiếng nói vượt qua rào cản về văn hóa và khoảng cách về thời gian đối với mọi nền văn hóa thị giác.
Sự tiếp cận vượt thời gian và không gian này trong nghệ thuật của Tuấn đã được nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương, trong cuốn catalog viết cho triển lãm “Cuộc Sống Tươi Đẹp” của Tuấn năm 2009, chỉ ra rằng: "Anh [Tuấn] tiếp thu một cách cởi mở và hiệu quả đối với các ảnh hưởng phương Đông và phương Tây, với thẩm mỹ hiện đại và vẻ đẹp thời nay với quan điểm tìm ra con đường riêng và phong cách cá nhân của mình". Việc kiếm tìm và thử nghiệm cũng như khát khao bỏng cháy để nắm bắt những gặp gỡ lạ kỳ của cuộc sống đều được nhắc đến trong tác phẩm đa dạng của Tuấn. Đó là những điều cuốn hút người xem vào tác phẩm của anh.
Vũ Đình Tuấn, sinh năm 1973, tốt nghiệp đại học và sau đại học tại trường Đại học Mỹ Thuật Hà nội. Ngoài ra anh còn học khắc gỗ ở Portland, Maine. Mặc dù khởi đầu sự nghiệp với tư cách là một họa sỹ, nhưng anh đã trở thành một nghệ sỹ tranh khắc tinh xảo ở Art College, chuyên sâu về kỹ thuật in khắc trong suốt thời gian 5 năm, và đã tìm thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đời: “Tại Art College, tôi đã học vẽ để trở thành một giáo viên, đó đã là tương lai của tôi”, Tuấn nói, “Nhưng tôi đã được học một vị thầy là nghệ sỹ tranh khắc và ông đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi. Ông đã động viên tôi theo đuổi dòng tranh khắc và ông bắt đầu giới thiệu tôi với các nghệ sỹ tranh khắc quốc tế. Qua các tác phẩm của các nghệ sỹ quốc tế, tôi đã nhìn thấy nhiều tiềm năng trong loại hình nghệ thuật này”. Tuấn cảm thấy qua thể loại tranh khắc gỗ và tranh lụa anh có thể tạo ra một góc nhìn riêng về xã hội một cách mới mẻ và hấp dẫn. Đồng thời, anh cảm thấy anh có thể đặt ra những câu hỏi quan trọng về các mối quan hệ, về thế giới của những giấc mơ cũng như xem xét các khía cạnh văn hóa trong xã hội của riêng anh, trong tổng hòa mối quan hệ với thế giới xung quanh.
Điều mà ngay lập tức thu hút mọi ánh nhìn của người xem đối với tranh lụa của Tuấn chính là những khuôn mặt bí ẩn nằm chính diện bức tranh trong một bối cảnh siêu thực trang nhã đến lạ kỳ. Chủ nghĩa siêu thực trong hội họa Việt Nam hiện đại, dĩ nhiên chẳng còn là mới mẻ, nhưng, trong một thời gian dài, nó đã bị che phủ bởi sức ép của Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và nghệ thuật lãng mạn đa cảm của Trường phái Pháp dạy ở Ecole des Beaux-Art ở Hà nội từ năm 1925 trở về sau này. Những bức vẽ trên lụa siêu thực đầy mộng mị và huyền bí của Tuấn cũng xuất hiện trong các tác phẩm khắc gỗ rực rỡ và diễm lệ của anh. Nếu những bức lụa vẽ các gương mặt, mà thường là lưỡng tính, gợi lên một thế giới siêu thực nhẹ nhàng và tươi đẹp, đầy ắp những tình tiết ảo mộng, thì tranh khắc gỗ của anh lại đùa giỡn với bóng và hình, các hình họa chuyển động khoan nhặt như thể đang đắm chìm trong điệu vũ đầy nhục cảm, có lúc hình ảnh và sự biểu cảm lại cho thấy một thực tế trần trụi và nguyên thủy hơn. Dẫu sao, cả hai loại hình nghệ thuật đều cho thấy những điều diệu kỳ và huyền bí vẫn tồn tại trong thế giới của chúng ta và vượt ra ngoài tấm màn che của thế giới thực, nơi mà những câu hỏi về danh tính, về tự do, yêu, ghét, niềm vui và nỗi đau cứ quẩn quanh trong những giấc mộng huy hoàng.
Đôi khi ta vẫn tự hỏi tại sao ta mơ và ta mơ thế nào. Rồi ta thường cảm thấy tuyệt vọng về những cơn ác mộng lướt qua tâm vô thức và dằn vặt ta trong một thời gian dài. Chỉ ít người biết làm thế nào để mang đến những giấc mơ đẹp nhất, hay làm thế nào để xoa dịu nỗi kinh hoàng của những cơn ác mộng. Chính những điều lạ lùng và trạng thái phân lập này đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng quá phong phú của Tuấn. Những gương mặt và những cái đầu trong tranh của Tuấn đắm mình trong cả vẻ đẹp và sự bất an, thậm chí là nỗi sợ hãi và nỗi kinh hoàng mong manh lẩn khuất. Người xem như bị lôi cuốn bởi cường độ của màu sắc. Những gương mặt với đôi môi dày gợi cảm hiện ra phủ tràn tấm lụa. Từng gương mặt như trôi trên bề mặt phẳng của những chân trời tưởng tượng.
Mỗi gương mặt là một sự ngạc nhiên, thấm đượm những tình tiết phức tạp và phi thường, là những ẩn dụ cho phép mầu nhiệm của đời sống vĩnh hằng cũng như gợi lên được sự phong phú của trí tưởng tượng dù ở mức nghèo nàn nhất. Trong tác phẩm Con thằn lằn Xanh trên Bông hoa Đỏ (2011) mô tả khuôn mặt có đôi môi mọng đỏ trên nền xanh lá và đôi mắt như nhìn bất định xa xăm. Con thằn lằn được đặt trên một cành cây, đầu nghiêng nghiêng hướng tìm thức ăn. Những đóa hoa và chim chóc cùng cây cối khiến ta tự hỏi về vẻ đẹp của những khu vườn nhỏ. Tác phẩm Kiếm tìm một Dòng sông 01 (2012) mô tả cái đầu với khuôn mặt màu xanh lam bơi trong làn nước với đàn cá đủ màu đang lượn lờ vô định xung quanh. Gương mặt được 7 ngọn đèn dầu chiếu sáng đặt ở hai bên cằm. Những gương mặt, với những đôi mắt nhìn chằm chằm, vô định, luôn là những câu hỏi chưa lời giải đáp.
Những gương mặt khác lại có nhiều hoạt động diễn ra trên bề mặt: những con ốc sên bò qua mặt và miệng như trong tác phẩm Khu vườn Tình Yêu 03 (2012), những con thiên nga trang nhã như trong tác phẩm Hồ Thiên Nga (2012), lại có cả một lưới nặng trĩu cá vàng. Màu sắc thì xanh dương đậm, vàng, nâu, đen, đỏ. Một ngọn đèn kiểu cổ đang cố leo lét chiếu sáng từng gương mặt.
Trong khi các tác phẩm khác có nhiều truyện để kể thì có một tác phẩm tuyệt đẹp và thực sự nổi bật lại theo chủ nghĩa tối giản với tựa đề là Solo (2012). Tác phẩm này mô tả một cách tinh tế một gương mặt trên đó là trùng trùng điệp điệp núi đồi xanh thăm thẳm. Trên đỉnh đầu treo lơ lửng một chú chim đơn độc, mỏ chú mở ra như đang chiêm chiếp gọi một chú chim khác, hoặc đang đợi chờ thức ăn. Nó mô tả việc thiền định lưu lại trong tâm chí, có lẽ là phép ẩn dụ cho một đời sống cô tịch.
Người ta có thể nghĩ đến nghệ thuật của Salvador Dali (1904-1989) hoặc thậm chí Max Ernst (1891-1976) khi nhìn vào thế giới ảo diệu và những câu chuyện từ những gương mặt của Tuấn. Tuy nhiên, tôi lại bị thôi thúc để nghĩ về các câu chuyện viết về trẻ em tuyệt vời của nhà văn Anh C.S.Lewis vĩ đại (1898-1963). Những tình tiết phong phú trong những câu chuyện của Tuấn nói lên những suy nghĩ của anh và sự chú ý của anh đến từng chi tiết.
Những ảnh hưởng và cảm hứng của Vũ Đình Tuấn rất đa dạng và phong phú, từ nghệ thuật của Lê Mai Khanh đến các tác phẩm khắc của Lê Huy Tiếp. Nhưng trải nghiệm của anh thời còn là sinh viên ở Mỹ rất quan trọng. Anh nói: "Các kỹ thuật in thạch bản và khắc tôi đã được học ở Việt Nam. Nhưng ở Mỹ nó không phải về kỹ thuật mà là về việc làm việc với ý tưởng mới và thử nghiệm. Ở Mỹ, tôi đã học về nội dung, phong cách, màu sắc và quy trình in ấn, v.v... và nhiều điều khác nữa cùng với sinh viên và các giáo viên.
Các giáo viên luôn luôn đặt câu hỏi, không giống như cách giảng dạy ở Việt Nam, mà giúp học viên suy nghĩ về cách làm thế nào để có được kết quả tốt nhất mà học viên đó có thể đạt được vào thời điểm đó chứ không chỉ là kết quả. Câu hỏi thứ nhất là "Tại sao bạn làm điều đó? Câu hỏi thứ hai là: Làm thế này có giống như cách người Trung Quốc làm không? Vì vậy, tôi đã phải nghiên cứu văn hoá của riêng tôi theo cách tôi chưa từng làm trước đây và xem xét các vấn đề theo một cách khác. Tôi thực sự phải suy nghĩ xem nền văn hoá Việt Nam là gì, không phải là văn hóa Trung Hoa hay Pháp. Tôi thực sự mong muốn lưu giữ kinh nghiệm này và nó vẫn thể hiện trong mọi tác phẩm của tôi."
Vũ Đình Tuấn không muốn dán nhãn cho nghệ thuật của mình. Anh ấy chỉ đơn giản gọi nó là sự tưởng tượng với cái đầu ở trung tâm. Anh tin rằng mọi thứ về cuộc sống con người đều có thể tìm thấy ở gương mặt của mỗi người. Nếu bạn muốn biết về cuộc sống của ai đó, thì gương mặt chính là xuất phát điểm cho hành trình kiếm tìm này.
Comments