Những nhấn nhá, chạm vuốt tinh tế lên hình, khối, những chất liệu nằm lòng của đồng, sắt được các nhà điêu khắc kết hợp với gốm. Đất, nước, men, lửa… cả một quá trình nghiên cứu vừa nghiêm ngặt vừa công phu, nhiều sáng tạo và vô cùng hồi hộp khi phải trông vào sự may mắn, khi không thể tính trước của quá trình “gốm qua lửa”.
Triển lãm Chúng tôi kể chuyện Gốm khai mạc vào chiều 12/1/2021 tại phòng tranh Hanoi Studio Gallery. 16 nghệ sĩ tham gia triển lãm gồm: Hoàng Nghĩa Hiệp, Lê Đình Nguyên, Petra De Vree, Vũ Đình Tuấn, Phạm Hà Hải, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Thái Bình, Trần An, Phạm Tuấn Tú, Hoàng Mai Thiệp, Đỗ Hiệp, Nguyễn Duy Mạnh, Thái Nhật Minh, Lê Anh Vũ.
Chúng tôi kể chuyện Gốm là câu chuyện cuối năm 2020 và mở đầu cho năm 2021 của Hanoi Studio Gallery và các nghệ sĩ. Gốm là là sản phẩm truyền thống, gắn bó, thân thuộc trong đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của người Việt Nam. Cùng ở gốm hội tụ phẩm chất nghệ thuật, nét duyên, sự tung tẩy, ngẫu hứng, xuất thần của các nghệ sĩ, điêu khắc gia trên những tác phẩm nghệ thuật.
Ở triển lãm là những câu chuyện của mỗi nghệ sĩ đương đại với những sáng tạo cá nhân, say mê và dị biệt. Hơn nửa năm với ý tưởng và lao động, mỗi nghệ sĩ đã đem về cho mình những tạo tác khác nhau từ gốm.
Hoạ sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ câu chuyện với gốm của mình: “Tôi nhìn về câu chuyện huyền sử Tiên Dung & Chử Đồng Tử. Sự bất tử, đạo tự nhiên, chuyện tình bên dòng sông Hồng là nguồn cảm xúc cho những ngày nặn, khắc và vẽ gốm”. Trên gốm, Phạm Hà Hải kể câu chuyện của mình bằng những nét vẽ phóng khoáng, tối giản và tinh tế. Với phong cách trừu tượng anh thiên về gợi hơn tả, và câu chuyện trên gốm của anh đã được kể bằng sự sáng tạo, nhưng cốt lõi vẫn là sự tâm huyết, say mê và đồng điệu tận cùng của người nghệ sĩ với gốm. Bên cạnh đó, hoạ sĩ cũng chia sẻ: “Có sẵn bên trong tình với gốm, song, duyên là như quả hạnh gặp trong đời vậy”.
Những đĩa gốm của Vũ Đình Tuấn mang đến cảm giác tròn vẹn, viên mãn, sung sức, ngời ngợi pha chút bí ẩn bởi bàn tay, tâm hồn người nghệ sĩ giàu nội lực luôn hướng tới sự đột phá để định vị mình.
Khổng Đỗ Tuyền là những bình gốm thể hiện sự mạnh mẽ, rắn rỏi, quyết đoán và có phần gai góc. Gốm không làm mờ đi cá tính của nghệ sĩ này, ngược lại, gốm có phần kiến tạo rõ nét hơn cá tính sáng tạo của anh.
Gốm của Lê Đình Nguyên mang đến sự thân thuộc và ấm áp cho người xem, như thể bạn đang trở về với căn nhà đơn sơ yêu dấu. Dưới mái nhà là tình thân, là sum vầy, là hạnh phúc, là bình yên. Ánh đèn hắt ra từ những ngôi nhà gốm như đang thủ thỉ kể chuyện hay đang thăng hoa cho một cảm xúc.
Gốm làm nên bản sắc/màu sắc cá nhân của người nghệ sĩ rất rõ ràng. Như thể với gốm, người nghệ sĩ được là chính mình, được trở về với bản nguyên sơ khởi của mình để lựa chọn một hình thành, một vượt thoát. Gốm như thể là khởi nguồn của sáng tạo cũng như thể tận cùng của sáng tạo.
Triển lãm Chúng tôi kể chuyện Gốm sẽ kéo dài đến tháng 2.2021 tại phòng tranh Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nguồn: báo Văn Nghệ Quân Đội
Comments