top of page
Ảnh của tác giảHanoi Studio Gallery

Xem nghệ sĩ kể chuyện gốm

Triển lãm "Chúng tôi kể chuyện gốm" cho thấy sức sáng tạo cá nhân của từng nghệ sĩ và sự ấm áp của chất liệu truyền thống, quan điểm thẩm mỹ từ truyền thống.

Nhà trâu của ông Lê Đình Nguyên
Nhà trâu của ông Lê Đình Nguyên

Họa sĩ Phạm Hà Hải “kể chuyện” qua 2 chiếc bình gốm men ngà, trên đó có điểm xuyết những nét bút phóng khoáng. Tác phẩm này khá đồng nhất phong cách với những bức trừu tượng ông vẫn vẽ. Chúng cũng cùng mạch vẽ lại những truyền thuyết, cổ tích Việt của ông trong thời gian gần đây. Nhóm tác phẩm tham gia triển lãm Chúng tôi kể chuyện gốm lần này, ông Hải vẽ lại câu chuyện Tiên Dung. Ở đó, da thịt trắng ngần hiện ra phập phồng trên khối gốm, cùng những nét vẽ gợi hơn là tả.


Triển lãm Chúng tôi kể chuyện gốm khai mạc vào tối 12.1 và mở cửa đến tháng 2.2021, tại phòng tranh Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có 16 nghệ sĩ tham gia triển lãm: Hoàng Nghĩa Hiệp, Lê Đình Nguyên, Petra De Vree, Vũ Đình Tuấn, Phạm Hà Hải, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Thái Bình, Trần An, Phạm Tuấn Tú, Hoàng Mai Thiệp, Đỗ Hiệp, Nguyễn Duy Mạnh, Thái Nhật Minh, Lê Anh Vũ.


Nếu Tiên Dung mang lại cảm giác run rẩy rất đàn bà thì khối gốm trong tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền lại mạnh mẽ như thép, như đồng, như sắt và như một người đàn ông rất nam tính. Có cảm giác như ông đã dựng khung cốt thép cho những tác phẩm vậy. Những bình gốm của ông vì thế vừa có sức mạnh của sự tự kiềm chế, vừa có cảm giác dễ bùng nổ.


Phạm Thái Bình vẫn trung thành với “tiểu đồng” mà ông sáng tác nhiều năm. Hình tượng này đã được ông xây dựng với nhiều chất liệu.

Nếu như với composite, ông Bình có thể làm những khối lớn với màu sắc rất khoa trương, hoặc tạo khối màu trong veo, thì với gốm, "cậu bé" này lại như một người đang học cách im lặng.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền
Tác phẩm của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền

Thay vì tạo ra những con chim 3D như trước đây, họa sĩ Thái Nhật Minh lại dàn mỏng chúng thành 2D trên bề mặt bình gốm trắng men lam. “Đây là một thời kỳ khác, kể cả trong tác phẩm khác lẫn trong triển lãm này, tôi muốn tìm một không gian mới”, Thái Nhật Minh diễn giải.


Trong khi đó, Vũ Đình Tuấn đưa những bức vẽ rất huê tình lên đĩa gốm. Đây cũng là một đề tài mới mà anh vừa giới thiệu với công chúng trong triển lãm lụa cách đây vài tháng.

Tác phẩm của ông Vũ Đình Tuấn
Tác phẩm của ông Vũ Đình Tuấn

Chúng tôi chọn những chất liệu quá quen thuộc, truyền thống. Gốm Bát Tràng, men lam…”, họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ. Triển lãm Chúng tôi kể chuyện gốm cũng đánh dấu nửa năm các họa sĩ làm việc tại làng gốm Bát Tràng. Họ muốn dùng chất liệu truyền thống này để kể câu chuyện mang màu sắc cá nhân của mình. Qua đó có thể thấy sức thể hiện của gốm truyền thống rất dồi dào. Đặc biệt là khi gốm trắng men lam không quá thách thức về kỹ thuật.

Tác phẩm của nhà điêu khắc “chuyên chim” Thái Nhật Minh
Tác phẩm của nhà điêu khắc “chuyên chim” Thái Nhật Minh

Chưa kể, truyền thống còn được gặp truyền thống thêm lần nữa qua các sáng tác của Đỗ Hiệp. Ông vẽ lại những trời, mây, niềm tin của Phật, của người trên những tác phẩm gốm giống như hoành phi câu đối. Nếu hoành phi câu đối xưa phải tuân theo nhiều niêm luật thì với Đỗ Hiệp, những họa tiết lẫn gửi gắm đã cởi mở rất nhiều. Những con giáp truyền thống cũng được Hoàng Mai Thiệp phóng chân, phóng thân mình với tỷ lệ lớn khác thường so với đầu để tạo cảm giác vững chãi.


Cùng lúc, gốm của Lê Đình Nguyên lại là gốm “động”. Ở đó, những ngôi nhà tạo hình như con trâu lại có đèn thắp từ bên trong để tạo cảm giác gia đình. Hơi ấm gia đình vẫn là khái niệm truyền thống. Hình ảnh ấy kết hợp với các tác phẩm khác trong Chúng tôi kể chuyện gốm kể một câu chuyện lớn hơn. Đó là câu chuyện mùa xuân mà hơi ấm tác phẩm gốm có thể đem lại.

Nguồn: báo Thanh Niên

11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page